Cuộc đời Lan Sơn (nhà thơ)

Lan Sơn sinh ngày 11 tháng 4 năm 1912 tại Hải Phòng, nhưng quê gốc ở huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An.

Ông lần lượt học qua trường Hải Phòng, trường Tourane, trường Bảo hộ Hà Nội (trường Bưởi).

Học xong, ông làm việc ở sở Công chính Hải Phòng, rồi làm biên tập viên và làm phóng viên cho các báo: Hải Phòng tuần báo, Phong Hóa, Ngày Nay, Hà Nội báo, Chuyện đời, Tinh Hoa,...

Bên cạnh nghề viết báo, Lan Sơn còn làm thơ và cho in thơ trên các báo cuối những năm 20. Tập thơ đầu tay Anh với em của ông xuất bản khi ông 22 tuổi (1934).

Sau năm 1936, Lan Sơn cùng nhà thơ Lê Đại Thanh[1] thành lập Đoàn kịch Đại Thanh - Lan Sơn, công diễn nhiều vở gây tiếng vang trong công chúng Hải Phòng. Ngoài ra, ông còn cùng mở ở xóm Quần ngựa (Hải Phòng) một Nhà hát ca trù.

Tháng 9 năm 1941, ông được Hoài Thanh - Hoài Chân giới thiệu trong quyển Thi nhân Việt Nam (xuất bản năm 1942).

Năm 1945, Lan Sơn là thành viên của tổ Việt Minh do Lê Đại Thanh làm tổ trưởng, có nhiệm vụ tìm cách mua súng đạn gửi ra chiến khu, bán báo lấy tiền gây quỹ cho Việt Minh...

Năm 1954, cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc Việt chấm dứt. Đến 1957, Hội Nhà văn Việt Nam thành lập, và Lan Sơn được kết nạp vào tổ chức này ngay năm đó.

Năm 1968, ông được giới thiệu trong bộ Việt Nam thi nhân tiền chiến (quyển hạ) do Nguyễn Tấn Long- Nguyễn Hữu Trọng biên soạn, xuất bản tại Sài Gòn năm 1969.

Năm 1974, Lan Sơn mất, hưởng thọ 62 tuổi.